Sunday, April 27, 2014

Lẩu cá tầm

Cá tầm là một trong những chi cá cổ nhất hiện còn tồn tại, chúng có nguồn gốc tại các vùng nước châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ. Cá tầm có kích thước dài khoảng 2,5-3,5 m (8–11 ft) không phải là hiếm và một số loài có thể còn to lớn hơn.
Cá tầm là các loài cá ăn ở tầng đáy. Với chiếc mõm hình nêm chúng sục sạo lớp đáy bùn mềm và bằng cơ quan xúc giác nhạy cảm (râu) thì chúng có thể phát hiện các loài động vật giáp xác và cá nhỏ, là nguồn thức ăn của chúng. Vì không có răng nên chúng không thể bắt các con mồi lớn. Trước đây khi Việt Nam chưa nuôi được cá tầm và hàng Trung Quốc chưa tràn ngập thị trường, thì cá Tầm là món ăn quý tộc và khá đắt, chủ yếu là nhập từ Nga. Trong đó có món trứng cá tầm cho đến giờ vẫn thuộc hàng xa xỉ. Hiện nay, do Việt Nam đã nuôi được cá tầm, nên nó đã trở thành món ăn khá phổ biến, không còn quá xa xôi với nhiều người dân Việt sống ở thành thị. Do đặc điểm sống ở môi trường nước lạnh, nên chỉ có những vùng núi cao, có nguồi suối lạnh, trong, sạch mới là vùng thuận lợi để phát triển cá tầm, vì vậy hiện tại mới có ở Sapa, Lâm Đồng v.v... là nuôi được cá này. Gía cá tầm của Việt Nam dao động từ 250 - 300 nghìn / kg (tính theo thời giá 2013, 2014), đắt hơn so với cá Trung Quốc (tầm 150 nghìn/kg), cá Tầm Việt Nam cũng nhỏ con hơn so với cá Tầm Trung Quốc. Do hàng Trung Quốc là hàng tiểu ngạch, nên giá rẻ hơn, và cũng vì vậy mà không được kiểm dịch chặt chẽ, nên đã bị các bà nội trợ Việt Nam tẩy chay. Hiện tại, cá tầm có bán ngoài chợ, nhưng không còn ê hề như thời hàng Trung Quốc tràn ngập lãnh thổ nữa.
Cá Tầm là loài cá ăn được tất cả mọi phần (tất nhiên trừ nội tạng:D), và rất bổ dưỡng. Thịt có nó vừa chắc, ăn không bở, lại rất béo. Cá Tầm có nhiều cách chế biến, trong đó phải kể đến cá tầm xào nấm, chả cá tầm, hay cá tầm rang muối, và không thể không nhắc đến món lẩu cá tầm ăn ngon không thể chê được.

 Sau đây mình xin giới thiệu món lẩu cá tầm, để các bạn tham khảo:
Nguyên liệu: cho 6 người ăn
- 1,7 kg thịt Cá Tầm
- 1 lạng Hành lá
- 2 quả ớt chỉ thiên
- 1 củ  Gừng
- 1 củ hành tây
- 2 củ to hành củ (hành tím) khô
- 1 quả cà chua
- 3 bìa đậu, hoặc 200 gram đậu non Nhật Bản (siêu thị có bán)
-  Rau cải thảo, cải cúc, thìa là, nấm
- bún tươi hoặc mì

Cách làm:
Cách làm sạch cá: do cá tầm là loại cá khá nhớt, nên để làm sạch nhớt, thì cần một vài tiểu xảo. Thông thường, theo sách dạy, hay hướng dẫn của chuyên gia, thì mình thấy hay hướng dẫn: " Cho cá vào khay chữ nhật thoa phần bột mì lên mình cá rồi vuốt dọc từ đầu đến đuôi cá cho sạch nhớt, rửa cá lại bằng nước lạnh thật sạch rồi cắt bỏ phần vi, mang và ruột cá. Tiếp đến cắt rời cá ra từng khoanh nhỏ dày 2cm cho vào đĩa để phục vụ tại bàn, còn phần đầu và đuôi cá để lại nấu nước lẩu". Tuy nhiên, trên thực tế mình đã thử cách này, và thấy phải tốn nhiều bột mỳ, mà rửa mãi cũng không hết nhớt. Và mình đã thử cách khác đó là, đun sôi nước, dội lên mình cá, dùng dao gạt sạch trên bề mặt da cá, là từng đám nhớt sẽ bong ra, làm lại khoảng 2 lần là cá sạch ngay, mà ko phải vất vả gì.
1. Cá sau khi làm sạch, lọc cắt phần thịt thái lát mòng 2cm, phần sụn để riêng. Cho chút gia vị, rượu mirin (một loại rượt ngọt, dùng để nấu ăn của Nhật, cái này khử tanh của cá rất hiệu nghiệm), thìa là, lá hành hoa thái nhỏ vào đảo đều thịt cá cho ngấm gia vị và bày ra đĩa.
2. Ớt trái bỏ hạt, hành cắt nhỏ giã nhuyễn. (Lưu ý: hành và ớt phải giã bằng cối chứ không được say vì khi giã hành lá sẽ tiết ra mùi thơm và màu xanh, ớt tiết ra màu đỏ tạo nên vị và màu sắc rất đặc trưng cho món lẩu). Sau đó cho hỗn hợp này vào phần sụn cá, nêm thêm gia vị, rượu mirin, một chút nước mắm. Để ngấm trong chừng nửa tiếng. Rồi phi thơm một chút hành tỏi với một chút dầu ăn trong 1 cái chảo, trút phần sụn đã tẩm ướp vào xào cùng đến khi chín sơ. Đổ nước lọc vào đun đến khi sôi, để lấy vị ngọt của cá, nêm gia vị vừa ăn.
3.Gừng, hành tây, hành tím khô cho lên bếp nướng đến khi ngửi được mùi thơm lấy ra, bóc phần vỏ cháy, rửa sạch, gừng và hành tím khô thì đập dập, còn hành tây, cà chua thì thái múi cau, cho vào nồi nước lẩu ở bước 2.
(Lưu ý: trong quá trình nấu nước lẩu phải nhẹ lửa và hớt bọt để giữ nước lẩu trong).
4. Nhúng cá, và rau vào nước lẩu ăn nóng tại bàn. Cá nhúng cho chín tới, không nên lâu quá, sẽ bị nát cá.
Lưu ý: món lẩu này đã dùng chính sụn của cá để tạo vị ngọt của nước lẩu, vì vậy các bạn không cần chuẩn bị nước lẩu bằng nước xương hầm nhé, nếu không sẽ rất ngấy và thừa chất:).
Món lẩu này ăn có vị cay cay, thơm thơm, nước lẩu ngọt, thanh, chứ không béo ngấy ( mặc dù cá béo), và đặc biệt không hề tanh.
Chúc cả nhà ngon miệng:)

 

No comments:

Post a Comment