Tuesday, October 21, 2014

Mango coconut Icebox cake - The last trace of summer

Trời bắt đầu vào thu, hanh khô, khiến người háo nước, sáng sớm thì lạnh sương, đến trưa lại nóng. Nghĩ kiếm cái gì mát mát ăn giải tỏa hanh khô, mà lại không quá lạnh. Liền nhớ đến công thức icebox đã có trong túi mà chưa có dịp thử, nghía qua thành phần thấy có nước cốt dừa béo ngậy, lại có cream cheese, nên chắc chắn ăn sẽ mát chứ không bị lạnh quá như kem whipped thông thường. thế là lọ mọ vào bếp, và thành quả thì ...thôi rồi, trên cả tuyệt vời. món icebox cake này có vị thơm của xoài, hòa quyện với vị béo ngậy của coconut, và creamcheese, được gắn kết bởi whipped cream và khi ăn cùng với từng lớp bánh gateaux hạnh nhân cộng với dừa khô, thật sự là hòa quyện, bổ sung cho nhau. Thanh, mát, ngậy, không quá ngọt, không quá béo, nói chung là tuyệt vời.

Trong công thức gốc của chủ nhân trang the kitchn, bác ý sử dụng graham crackers (bánh quy giòn) và không cho đường vào kem, mà chỉ rắc đường nâu turbinado khi ăn, dùng dừa lá khô (coconut flakes). Còn mình khi làm thì có chỉnh sửa lại chút, thay vì rắc đường nâu ở trên, mình trộn luôn trong quá trình làm kem, sở dĩ như vậy là để giảm bớt độ béo ngấy của hỗn hợp kem khi ăn, thứ hai là do nhà còn sẵn một chút bột hạnh nhân, nên làm các lớp băng bánh gateaux hạnh nhân thay cho bánh quy giòn, vả lại mình nghĩ bánh hạnh nhân cũng sẽ rất hợp với cream cheese, whipped cream nữa. Còn dừa thì lại cũng do còn thừa cơm dừa khô, nên dùng nốt vậy.

Cách làm như sau:
Độ khó: cực kỳ dễ
Khuôn dùng là khuôn sứ 7 inches tròn (18 cm)
Nguyên liệu:
- Bánh gateaux hạnh nhân, sau khi nướng trong khuông 7 inches thì cắt thành 2 tầng (công thức tham khảo tại đây, làm công thức với 2 trứng, tức một nửa của công thức trong link)
- trường hợp không tự nướng bánh gateaux hạnh nhân như ở trên, thì mua graham crackers về như công thức gốc.
- 200 gram cream cheese, để ở nhiệt độ phòng
- 125 gram nước sữa cốt dừa (loại lon đóng sẵn cho ngon)
- 240 ml whipping cream loại heavy, 35% độ béo trở lên
- 50 gram đường trắng
- 10 ml rượu ruhm (tùy chọn, nhưng nên có vì sẽ ngon hơn)
- 2 quả xoài chín thơm
- 20 gram cơm dừa khô sấy vàng

Cách làm:
1. Đánh nhuyễn cream cheese, sau đó cho nước cốt dừa vào đánh hòa quyện, cho đường và rượu ruhm vào đánh đến mịn, nhuyễn.
2. Nếu dùng máy stand mixer: thì thay beater bằng whisker và vừa đánh vừa rót whipping cream vào đánh đến khi bông, tạo những đường vân là ok, đừng đánh quá tay không sẽ bị tách nước lổn nhổn.
- Nếu dùng hand mixer: thì đánh riêng kem tươi đến bông cứng (cách đánh tham khảo tại đây), rồi dùng kỹ thuật fold trộn từng phần kem tươi đã đánh bông vào hỗn hợp ở 1.
3. Phết một lớp xuống đáy khuôn, cho một lớp bánh gateaux lên, cho một lớp hỗn hợp kem lên, rồi một lớp xoài, lặp lại như vậy với lớp thứ hai, rồi cuối cùng phủ dừa lên trên.
4. Cho vào ngăn đông để ít nhất hai tiếng, hoặc qua đêm, trước khi ăn cho xuống ngăn mát khoảng nửa tiếng.
Thành phẩm rất tuyệt vời.

Chúc cả nhà ngon miệng:)

Monday, October 6, 2014

Opéra cake - French flavour



Opera cake là một loại bánh của Pháp. Loại bánh này thường gồm có 6 lớp, được hình thành bởi 3 lớp bánh gateaux hạnh nhân (tiếng pháp Joconde) đẫm mình trong si rô cà phê, và xen kẽ chúng là các lớp kem bơ cà phê (coffee butter cream), sốt chocolate ganache, và trên cùng là lớp sốt chocolate glaze. Bánh có hương vị ngọt ngào của chocolate hòa quyện với vị ngậy của kem bơ và vị bùi của hạnh nhân với hương cà phê nồng nàn. Chỉ có thể nói là một sự hòa quyện tuyệt vời. Buổi sáng ngồi ngoài vườn, nghe tiếng chim hót, âm thanh piano trầm bổng, nhâm nhi tách trà và thưởng thức miếng bánh thì còn gì tuyệt hơn nữa.

Về độ khó thì bánh không phải là khó làm, nhưng khá là cách rách và mất thời gian, do có nhiều công đoạn lẻ tẻ khác nhau và cả thời gian phải chờ trong tủ lạnh nữa.

I. ALMOND SPONGE CAKE ( khuôn vuông 21x21cm)
NGUYÊN LIỆU:
– 4 lòng trắng trứng (nhiệt độ phòng)
- 1 teaspoon cream of tartar
- 1/4 teaspoon muối tinh
– 20 gram đường
– 155 gram bột hạnh nhân
– 80 gram đường
– 4 trứng nguyên quả (để ở nhiệt độ phòng)
- 10ml rượu Ruhm
– 47 gram bột mỳ đa dụng
– 34 gram bơ nhạt, đun chảy, để còn hơi ấm ấm

CÁCH LÀM:
1. Trộn bột mỳ và bột hạnh nhân vào với nhau rây mịn.
2. Đánh 4 trứng nguyên quả với đường đến khi bông sáng (hình 1), cho rượu Ruhm vào đánh hoà tan, rây hỗn hợp bột khô ở bước 1 vào, đánh ở tốc độ thấp đến khi hòa quyện thì dừng luôn, ko trộn quá tay (hình 2).
3. Đánh lòng trắng trứng thành kem bông cứng với 20 gram đường, cream of tartar và một chút muối, cách đánh tham khảo tại đây.
4. Làm nóng lò, 2 lửa ở 220oC, đây là nhiệt độ chuẩn nhé.
5. Chia lòng trắng trứng đã đánh bông ở (3) thành 3 phần, cho từng phần vào hỗn hợp ở (2), trộn theo kỹ thuật fold (xem tại đây) cho đến khi hòa quyện, sau cùng trộn vẫn theo kỹ thuật fold phần 34 gram bơ nhạt tan chảy vào ( hình 3)
6. Chia hỗn hợp làm 3 phần, nướng làm 3 lần, để được 3 lớp bánh, cho từng phần vào khuôn vuông, nướng ở 220oC trong tầm 5 phút, cái này thì tùy vào từng lò, chỉ cần đến khi thấy mặt bánh ngả màu vàng nâu một chút, dùng tăm xiên bánh không thấy bị ướt, ấn bánh thấy phồng ngay lại là đã được ( hình 4).

II. SI-RÔ CÀ PHÊ

NGUYÊN LIỆU:
– Cà phê, đường, và nước, theo tỷ lệ của từng loại cà phê mình chọn, miễn là ra được tổng lượng là khoảng 50ml
CÁCH LÀM: pha cà phê như bình thường hay uống:D

III. KEM BƠ CÀ PHÊ (COFFE BUTTER CREAM) ( hình 5)

NGUYÊN LIỆU:
– 20 ml nước cà phê
– 45 gram đường
– 25ml nước lọc
– 1 teaspoon vanilla
– 1 quả trứng ( nhiệt độ phòng)
– 1 lòng đỏ trứng (nhiệt độ phòng)
–150g bơ nhạt
CÁCH LÀM:
1. Đun sôi đường, nước nguội, vanilla, khuấy đều đến khi đường tan rồi dừng khuấy, đun tiếp tới khi hỗn hợp hơi sệt sệt và chưa ngả màu vàng, lập tức nhấc ra khỏi bếp.
2. Trong khi đun (1), đánh trứng nguyên quả và lòng đỏ trứng ở tốc độ cao cho tới khi bông mịn và chuyển màu vàng sáng. Giảm xuống tốc độ thấp, đổ si-rô (1) vừa đun còn nóng vào.
3. Tăng tốc độ dần từ trung bình lên cao cho tới khi mịn mượt và có cảm giác nặng tay, hỗn hợp trứng nguội lại ở nhiệt độ phòng (khoảng 5 phút)
4. Đánh bơ đến mịn mượt.
5. Ở tốc độ trung bình, cho từng thìa ở (4) vào hỗn hợp ở (3). Khi đã cho hết (4) vào (3), tăng tốc độ lên cao, đánh tới khi hỗn hợp mượt và nặng tay.
6. Cho cà phê đã hòa tan vào hỗn hợp trên, trộn đều.
7. Để kem bơ vào tủ lạnh, 15 phút bỏ ra khuấy và phủ bánh.

IV. CHOCOLATE GANACHE ( hình 6)

 NGUYÊN LIỆU:

- 150 gram chocolate đen, băm nhỏ

– 113 gram whipping cream
CÁCH LÀM:
– Đun kem tươi đến khi bắt đầu lăn tăn sôi, đổ vào chocolate đã băm nhỏ, để một chút cho kem ngấm vào chocolate, rồi trộn đều cho tới khi mịn mượt.
– Cho ganache vào tủ lạnh khoảng 15 phút, trộn đều mỗi 5 phút.

E. CHOCOLATE GLAZE ( hình 7)

NGUYÊN LIỆU:
– 150 gram chocolate đen, băm vụn
– 113 gram bơ nhạt
CÁCH LÀM:
- Đun tan bơ.
– Đun cách thủy chocolate, trộn cùng bơ chảy.

F. GHÉP BÁNH


1. Quết một lớp mỏng ganache lên mặt bánh, lật ngược bánh lại, quét một lớp siro cafphe ở B lên mặt bánh, phủ một lớp kem bơ cà phê (nhớ chừa một chút để lát láng mỏng lên mặt bánh nhé), đặt tiếp một lớp bánh, lại quét một lớp siro cà phê, rồi phủ một lớp chocolate ganache lên, rồi đặt lớp bánh 3, quét một lớp siro cà phê, rồi phủ nốt lớp mỏng kem bơ cà phê còn lại.
2. Để vào tủ lạnh ít nhất 1h.
3. Đổ hỗn hợp chocolate glaze (E) còn ấm lên bánh, dùng dụng cụ chà láng để láng mặt bánh. 
5. Để bánh vào tủ lạnh ít nhất 20 phút để cố định lớp glaze. Tốt nhất là để qua đêm

G. TRANG TRÍ:
Vì là sinh nhật ông nội, đàn ông mà, nên hoa hòe hoa sói thì hơi bị "đàn bà", nên mình chủ trương đơn giản.
1. Mình đun chảy chocolate, dùng dao láng trơn lên bề mặt giấy nến, đợi 5 phút cho chocolate đặc lại, nhưng vẫn còn mềm chưa cứng nhé, dùng cookies cutter (mousse ring) ấn tạo hình mong muốn, cho lại vào tủ lạnh đợi chocolate đông cứng hẳn, lấy ra bóc cả tảng ra khỏi giấy nến, và bẻ những phần thừa theo đường viền của hình đã được tạo  từ lúc nãy, và cắm trang trí vào góc bánh.

2. Vẽ chữ bằng chocolate, cách làm như sau:
"các em cookies cutters em dùng đây ạ"
tỷ lệ pha là 70 gram chocolate, với 30 gram bơ lạt. Hỗn hợp để viết đạt tiêu chuẩn là có thể chảy thành dòng, ko quá đặc thì chữ mới ko bị đứt. Khi viết thì đặt theo góc 45 độ và viết liền tù tì nhé. Chữ to bao giờ cũng dễ hơn viết chữ nhỏ. Cách pha hỗn hợp là: cho chocolate vào nồi chưng cách thuỷ cho tan chảy, lấy ra đợi nguội hẳn, nhưng chưa đến mức đông lại nhé vẫn lỏng, cho bơ vào trộn nhuyễn và viết:). sau khi viết xong cho vào tủ lạnh cho chữ khô lại sắc nét hơn:)
Chúc ông nội sinh nhật vui vẻ
3. Khi ăn, bạn hãy nhúng con dao vào nước nóng, dùng giấy ăn lau khô, và cắt dọc bánh từ trên xuống một đường dứt khoát ngay khi dao còn ấm, làm như vậy, sẽ giúp đường cắt bánh được sắc nét, bánh không bị lem nhem và đẹp hơn. Hãy lặp đi lặp lại quy trình với mỗi nhát cắt mới nhé:)
Bánh sách dưới đây trang trí như sau:
Phần gáy sách và nơ là chocolate đen nung tan chảy cho vào khuôn fondant và để vào tủ lạnh cho set, sau đó lấy ra dỡ khỏi khuôn, bôi 1 chút chocolate tan chảy bên dưới để làm chất kết dính, rồi đặt lên bánh.
Phần vẽ chữ bằng chocolate trắng: chỉ nung chocolate trắng tan chảy, không cho thêm bơ như chocolate đen viết chữ ở trên nhé. Đợi chocolate còn ấm, và khi xúc lên đổ xuống vẫn thành dòng, thì cho vào túi bắt chữ với tip đầu tròn loại nhỏ nhất dùng để bắt chữ. Cách bắt chữ tương tự như phần chocolate đen ở trên.

Sunday, October 5, 2014

Gà ba cốc



Món này nghe nói là món ăn nổi tiếng của Đài Loan. Sau khi được động viên tinh thần, mình đã bắt tay vào làm. Thành phẩm rất mềm, thơm mùi húng quế, và ăn rất vào cơm.
Nguyên liệu:
- Đùi gà, lọc xương, thái miếng quân cờ.
- Rượu trắng
- xì dầu, gia vị, tỏi, gừng, đường phèn ( hoặc đường trắng)
- húng quế ( húng chó)
Cách làm:
Gà chọn phần má đùi và đùi, chặt miếng, trần nước sôi cho sạch, ướp tý tẹo muối. Làm nóng dầu thường và chút dầu mè thơm, cho 3 lát gừng tươi và vài tép tỏi, rán nhỏ lửa trong vài phút( 5-10 phut). Cho gà vào rán phần da cho vàng. Cho khoảng 90ml rượu gạo độ cồn nhẹ, 30ml xì dầu, 1 nắm nhỏ đường phèn( hoặc 1,5 tbsp đường kính) đun lửa to phừng phừng cho nước sốt rút gần hết. Cho 2 mớ húng quế đảo đều tắt bếp. Ăn cay thì cho thêm ớt vào khi xào. 


Sunday, September 28, 2014

Green tea cake - bánh gateaux trà xanh - Climbing roses on the fence birthday cake

Vì bà nội của bạn bé tên Hồng, nên cứ đến sinh nhật là mình lại làm một chiếc bánh sinh nhật có liên quan đến hoa hồng, để tặng bà, cám ơn bà đã vất vả vì các cháu.

Sẵn trong nhà còn matcha mua làm tiramisu trà xanh đợt trước, mình quyết định làm một chiếc bánh sinh nhật với cốt bánh là bánh gateaux trà xanh phủ bằng cream cheese frosting và trang trí bằng butter cream. Lý do kết hợp như vậy là vì mình nghĩ cốt bánh gateaux trà xanh thanh mát ăn kèm với frosting có cream cheese, mascapone và whipping cream thì sẽ rất là hợp, vì chúng bổ sung cho nhau.

Cách làm khá đơn giản, công thức mình dùng cho gateaux ở đây, chính là công thức non failed gateaux đã làm ở bài sky blue ombré cake.
Nguyên liệu:
Cho 1 tầng bánh, mình làm 2 tầng
- 3 trứng gà, nhiệt độ phòng ( tổng trọng lượng 160-170 gram cả vỏ)
- 25 gram bột mỳ đa dụng + 30 gram tinh bột bắp + 6 gram bột trà xanh
- 1/2 teaspoon cream of tartar
- 60 gram đường
- 1 nhúm muối nhỏ
- 20 gram dầu ăn + 10 gram sữa tươi ko đường, trộn đều vào nhau
- khuôn tròn đường kính 7 inhches, ko cần chống dính, chỉ lót giấy nến ở đáy khuôn
Cream Cheese Frosting:
- 227 grams cream cheese, nhiệt độ phòng
- 227 grams Mascarpone cheese, nhiệt độ phòng
- 1 teaspoon pure vanilla extract
- 115 grams đường bột (powdered sugar)
- 250 ml heavy whipping cream (độ béo từ 35% trở lên) lạnh
Cách làm:
1. Tách lòng trắng và lòng đỏ riêng, lòng trắng ko đc dính lòng đỏ và sạch sẽ hoàn toàn, hình 1

2. Rây mịn bột ngô và bột mỳ và bột trà xanh vào chung, dùng whisker trộn đều
3. Đánh bông lòng trắng trứng đến dẻo mềm, nhấc que có chóp hơi oặt xuống, hình 3. Cách đánh bông lòng trắng xem tại đây
4. Cho từng lòng đỏ vào đánh hoà quyện, ta được hỗn hợp màu vàng nhạt hình 4. Mỗi lòng chỉ 2-3 giây là hoà quyện, đánh ở tốc độ thấp nhất
5. Trộn đều hỗn hợp sữa dầu ăn, đổ từ từ vào mép bát, đánh đều ở tốc độ thấp. Sau đó chia bột khô 2 làm 3 phần,  rây từng phần vào bát, rồi dùng máy tốc độ thấp đánh đều, chỉ 2 giây là hoà quyện. Vét thành và đảo lại, được hỗn hợp Như hình 5. Note: làm thế này nhanh hơn là fold, mà bánh vẫn nở bình thường. Ngoài ra, hỗn hợp bột sau khi trộn xong, phải còn dẻo, kết dính, chứ ko loãng. Nếu loãng thì coi như là đã thất bại, bánh nướng chắc chắn là bị xẹp, ko thể nở được. Bạn nên làm lại từ đầu:)
6. Cho vào khuôn, đập đập xuống bàn cho vỡ bớt bọt khí, đem nướng ở 165 độ, 2 lửa, rãnh thấp, thời gian 50 phút. Nướng tầm 20 phút, lấy giấy bạc chọc lỗ đậy lên, để tránh cháy mặt bánh, mà ruột lại chưa khô. Lò nhà mình là 22l. Còn với lò lớn từ 42l trở lên để rãnh giữa lò, thời gian chỉ chừng 25-35 phút. Nói chung là cách nước thì tuỳ từng lò mỗi nhà khác nhau. Chỉ có mình hiểu lò nhà mình nhất:)
7. Lấy ra, dùng dao sắc mỏng, lách theo thành khuôn, lật úp khuôn lên rack, lấy bánh ra để nguội trên rack.
Trang trí:
1 Đánh cream cheese và mascapone thật nhuyễn với nhau, sau đó cho vanilla và đường bột vào đánh bông mượt (bằng beater, nếu là stand mixer)
2. Bước này áp dụng với stand mixer:thay beater bằng whisker, máy đang chạy cho kem tươi vào từ từ, đánh cho đến khi bông cứng là được.
2. Bước này áp dụng với hand mixer: nếu bạn dùng hand mixer để đánh thì tốt nhất nên đánh kem tươi bông cứng riêng, rồi trộn theo phương pháp fold (xem tại đây) vào trong hỗn hợp pho mát ở bước 1.
4. Phết kem lên mặt khay cho một tầng bánh lên, phết tiếp một lớp kem cho tầng 2 lên và trát kem xung quanh bánh.
5. Phần hoa hồng và hàng rào được làm bằng butter cream, cách đánh kem bơ tham khảo tại bài white rosy cupcakes. Bơm hoa hồng và hàng rào, hàng rào thì đầu tiên bơm cột dọc, sau đó bơm so le hàng ngang là được, về cách bơm hoa hồng các bạn có thể tham khảo ở bài white rosy cupcakes hoặc lên youtube search là  ra ngay.

Chúc bà nội của các cháu sinh nhật vui vẻ


Tuesday, September 2, 2014

Lẩu thái hải sản chua cay

Hôm nay trời mưa mát, nhân tiện được bác họ gửi cho ít mực từ Quảng Ngãi ra, tớ lại vào bếp làm món lẩu thái chua cay hải sản. Lẩu thái là một món rất dễ ăn vì vị chua cay ngọt của nó, chính nhờ vị chua cay đó mà tuy là ăn cùng hải sản, nhưng ko hề có cảm giác đầy bụng, khó tiêu:). Cách làm như sau:
Nguyên liệu:
1. Xương lợn, ninh lấy nước. 
2. Hải sản: tôm, mực, ngao làm sạch
3. Đồ chế biến nước lẩu gồm: riềng, sả, lá chanh, hành khô, cà chua, sa tế, nước mắm, đường, nước cốt của chừng 1 quả chanh, gia vị, dầu vừng (hoặc vừng trắng rang), ớt tươi ( nếu thích ăn cay cực kỳ).
4. rau ăn kèm: hoa chuối, rau muống, nấm ( và rau mình thích)
5. bún ăn kèm
Cách làm:
1. Xương lợn rửa sạch, luộc qua với 1 chút nước đến khi sôi thì đổ đi, để loại mùi hôi và váng bọt. Sau đó cho vào nồi ninh chừng 1 tiếng để lấy nước ngọt xương.
2. Chế biên nước lẩu: (1) Sả đập dập, riềng thái lát, cà chua bổ múi cau, lá chanh vò qua cho thơm. (2) Cho dầu vừng vào chảo phi thơm hành khô, cho cà chua vào xào qua, cho sa tế vào xào tiếp ( nếu ko dùng dầu vừng mà là dầu ăn bình thường, thì vẫn xào như trên, và cho thêm vừng đã rang vào xào). (3) Cho nước xương vào hỗn hợp đã xào ở (2), đun đến sôi thì cho sả, riềng, lá chanh vào, sau đó  cho nước cốt chanh ( ko được lẫn hạt nhé, ko sẽ bị đắng), cho nước mắm, gia vị và đường vào, nếm đến vừa miệng là được, phần gia vị có thể nhạt một chút, vì bản thân hải sản là mặn tự nhiên, vì vậy, nếu nước lẩu vừa miệng luôn, thì lát cho hải sản vào nước lẩu sẽ bị mặn. nếu ai ăn cay, thì cắt thêm ớt tươi vào là ok. 
4. Cho hải sản và rau vào nhúng và ăn kèm bún.
Ghi chú: trong công thức nấu ăn ko phải làm bánh thì mình chỉ nêu thành phần nguyên liệu, ko nêu định lượng, lý do là vì mỗi người có một khẩu vị khác nhau, nên có thể cho thế này thì hợp với mình, nhưng chưa chắc đã hợp với người khác. vì vậy, trong quá trình nấu, mọi người tự nêm hợp với miệng mình là được. Ngoài ra trong siêu thị cũng có bán sẵn viên gia vị lẩu thái, nếu ai lười có thể mua về làm cũng được. Riêng mình thì ghiền đồ home made hơn, hơn nữa hương vị cũng sẽ hợp với nhu cầu của bản thân hơn.
Chúc cả nhà ngon miệng. Món này ăn ngày lạnh hợp lắm đó:)

Monday, July 21, 2014

Nutella bread pudding

Hôm rồi được chị Meg giới thiệu về món nutella bread pudding (tạm dịch là pudding bánh mì mứt kem hạt dẻ). Tò mò không hiểu nutella là gì, được chị Meg mua hộ một hộp, khi ăn em cảm thấy nó dường như là sự kết hợp giữa chocolate và hạt dẻ. Thế là em lại sử dụng phương án thứ ba là gọi điện thoại cho người thân, em gọi cụ Google. Sau khi tham khảo cụ Google thì em đã tra ra tiểu sử của em Nutella như sau:
Hình em lọ Nutella đây ạ:)
Nutella là tên một loại “kem” phết bánh mỳ làm từ 2 nguyên liẹu chính là cacao và hạt dẻ. Tên gọi Nutella bắt nguồn từ từ “nut” trong tiếng anh. Công thức của nó được sáng tạo ra ngày 20/04/1964 bởi hãng sản xuất các loại kẹo chocolat nổi tiếng mà chắc là nhiều người biết đến Ferrero. Nutella chiếm thị phần rất lớn trên thị trường kem phết của thế giới, đặc biệt là ở Pháp Nutella chiếm tới 85% thị trường. Nutella xuất hiện ở thị trường Mỹ năm 1983 và trở thành đối thủ cạnh tranh ngang ngửa của loại kem bơ lạc “peanut butter” truyền thống. (Nổi tiếng thế mà em không biết, em "quê" một cục hichic).
Việc sử dụng thêm hạt dẻ trong công thức của Nutella bắt nguồn từ hoàn cảnh kinh tế sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, thời kỳ đó hạt cacao còn rất hiếm và đắt đỏ. Pietro Ferrero, người sáng lập ra hãng sản xuất mang tên ông, đã có ý tưởng thay một phần bột cacao bằng bột hạt dẻ khi đó được trồng rất nhiều ở các vùng đồi xung quanh. Ông trộn đều bột hạt dẻ, bột cacao, sữa, đường và chất béo rồi điều chỉnh liều lượng dần dần cho đến khi tạo thành 1 loại kem đặc và mịn mượt đủ các vị thơm bùi ngọt béo của các thành phần chính.
 Hết phần tiểu sử, giờ đến phần làm thế nào để có bạn Nutella này trong nhà, mà ăn trực tiếp hoặc làm nguyên liệu làm bánh. Ở Hà nội, em thấy trong các siêu thị thông thường không có bán, chắc tại giá nó không phải là rẻ, và dân ta ít ăn. Hiện tại em thấy có bán ở L'space (khu the manor). Tất nhiên, trường hợp ko mua được, thì vận dụng công thức như sau:
  • 60 g chocolate sữa (đặt trên nồi nước đun sôi, quấy cho tan chảy, đáy bát không chạm nước)
  • 45 g bột hạt dẻ (có thể tự xay mịn hạt dẻ/hazelnut nếu không có sẵn bột)
  • 40 g đường bột (powder sugar, or icing sugar)
  • 40 g dầu thực vật
  • 1 tablespoon sữa bột
  • 1 tablespoon cocoa powder
Trộn riêng các nguyên liệu ướt (chocolate đun chảy), riêng nguyên liệu khô rồi lại trộn đều 2 nhóm nguyên liệu này với nhau, cho vào hộp rồi cất trong ngăn mát tủ lạnh 2h.
Dưới đây mình xin giới thiệu món Nutella bread pudding. Món này ăn nóng, lạnh đều ngon, khi cắn miếng bánh là một cảm giác hòa quyện với lớp trên giòn tan, lớp dưới mềm mượt. Vị bánh thanh không ngọt hòa đượm với vị ngọt của lớp áo đường bột ở trên. Nói chung lạ miệng, ngon, các bạn bé rất thích, và làm lại cực kỳ dễ nữa. Nói dài quá rồi ạ, cách làm như sau:
* Nguyên liệu:
- 6 lát bánh mì gối vuông (12x12cm)
- Mứt kem hạt dẻ Nutella
- 2 quả trứng gà công nghiệp, nhiệt độ phòng
- 200ml whipping cream
- 100ml sữa tươi có đường
- 1/2 teaspoon vanilla
- 1 khuôn tròn đường kính 20cm
* Cách làm:
1. phết nutella lên mặt bánh mỳ ( hình 1)
2. kẹp hai miếng bánh ( đã phết nutella ở 1) lại thành như sandwich ( hình 2), cho vào tủ lạnh chừng 10 phút để kem hạt dẻ đông lại, dễ cắt bánh hơn.
3. dùng bơ phết xung quanh thành khuôn chống dính, đáy khuôn lót giấy nến.
4. dùng dao cắt bỏ rìa bánh, cắt thành 16 miếng vuông như hình 3.
5. Xếp bánh vào khay cho kín khay như hình 4.
6. Dùng máy đánh trứng cho tan, cho whipping cream, sữa tươi, vanilla vào đánh đều ( hình 5)
7. Đổ đều 1/3 hỗn hợp ở 6 vào bánh, đợi cho hỗn hợp ngấm, đổ tiếp 1/3 hỗn hợp vào, đợi nửa tiếng sau, đổ nốt 1/3 hỗn hợp còn lại vào, bọc kín lại và cho vào tủ lạnh để ít nhất 4 tiếng hoặc qua đêm. Sau khi đợi 8 tiếng thì nó như hình 6
8. Bật lò ở 180 độ C, hai lửa, trước 15 phút.
9. Cho khuôn bánh lên khay có nước nóng, nướng cách thuỷ chừng 40-50 phút, hoặc cho đến khi vàng mặt là được. 
10. Lấy ra ăn nóng, hoặc để nguội cho vào tủ lạnh cho mát và ăn cũng rất ngon:) Vì bánh khá nhạt, nên khi ăn rắc thêm ít đường bột (icing sugar/ powder sugar) như trong hình, là vừa miệng, ngon nhất.
P/S: cả nhà em từ già tới trẻ ai cũng thích hết:)

Tuesday, July 1, 2014

Cream cheese brownies

 Cream cheese Brownies là một loại bánh ngon và phổ biến với nhiều công thức khác nhau. Nhưng loại mà mình thích là loại bánh có phần brownies ẩm, và đặc, mềm. Loại bánh này là sự kết hợp hoàn hảo giữa lớp Brownies thơm mùi chocolate, ẩm, mềm với lớp Cream cheese thơm ngậy. Chính vì muốn có được độ đặc, và mềm ẩm như vậy, mình chọn công thức không cho bột nở (baking powder/baking soda).
 Còn gì tuyệt vời hơn, khi đón chào một ngày mới bằng một miếng cream cheese brownies và một tách cà phê nóng, or một tách trà. hoặc sau giấc ngủ trưa, hay sau bữa tối tráng miệng bằng 1 miếng bánh nhỏ xinh.
Dưới đây mình xin chia sẻ một công thức rất đơn giản và dễ làm, lại ngon nữa.
Nguyên liệu:
Phần brownies 
120gram đường kính trắng
113 gram bơ nhạt, để mềm, nhiệt độ phòng
3 trứng gà, nhiệt độ phòng
1 teaspoon vanilla (5ml)
1 teaspoon rượu rum (optional)
90 gram hershey's semi sweet chocolate mini chips
130 gram bột mỳ đa dụng

Phần cream cheese layer
1 trứng gà, nhiệt độ phòng
250 gram cream cheese, để mềm, nhiệt độ phòng
60 gram đường kính trắng
1/2 teaspoon vanilla
1/4 teaspoon muối tinh.
Cách làm:
 Phần brownies 
1. Cho chocolate chips vào cái bát cho lên nồi nước đun cách thủy, sao cho đáy bát không chạm nước. Khi chocolate tan được 1 nửa, thì bắc xuống tiếp tục đảo cho đến khi chocolate tan chảy hết, hòa quyện, không còn cục là được.(hình 1)
2. Chống dính khuôn bằng cách bôi bơ xung quanh thành khuôn, cho bột mỳ vào lắc lắc, cho dính đều thành khuôn, rồi úp ngược khuôn cho bột thừa rơi ra hết. Đáy khuôn thì lót bằng giấy nến nhé. (hình 2)
3. Cho đường và bơ vào máy đánh cho đến bông theo phương pháp creaming method (tại đây), cho từng trứng vào, đánh đều, cho vanilla vào đánh đều (hình 3). Sau đó cho chocolate đã tan chảy vào đánh hòa quyện, rồi ở tốc độ thấp cho bột mỳ vào đánh đến hòa quyện (hình 4).
5. Bật lò ở 180 độ C hai lửa


Phần cream cheese
Cho trứng, cream cheese, đường, vanilla và muối đánh cho đến khi thành hỗn hợp nhuyễn hòa quyện (hình 5+6).
Tạo vân cho bánh trong khuôn:
1. Cho gần hết phần bột làm brownies vào khuôn, dùng xẻng dàn đều. chừa lại khoảng 5 - 6 thìa bột vào bát riêng.
2. Cho phần cream cheese lên trên, dàn đều kín mặt.
3. Xúc từng thìa bột của phần brownies để dư lại đổ lên trên cream cheese.
4. Dùng đầu nhọn của con dao, đưa đi đưa lại theo hình số 8, sẽ tạo được vân hoa.
Cho bánh vào lò nướng ở rãnh giữa (với lò to, rãnh thấp với lò 22l) khoảng chừng 30-35 phút (với khuôn tròn 9 inches, nếu khuôn nhỏ hơn thì thời gian nướng sẽ lâu hơn), miễn là đến khi thấy mặt cream cheese vàng sậm và khi cắm que tăm vào giữa bánh, rút lên que tăm còn dính ít vụn bánh ẩm là được. Trường hợp mặt bánh đã vàng, mà rút que tăm thấy bên trong vẫn còn ướt quá, thì chuyển qua nướng lửa dưới, cho đến khi cắm que tăm vào rút ra thấy dính ít vụn bánh ẩm là được. lấy bánh ra và để nguyên trong khuôn, để nguội trên giá, sau đó dùng giấy nhôm bọc kín lại và cho vào tủ lạnh, để qua đêm (là tốt nhất), để giữ độ ẩm cho bánh. Lấy ra dùng dao lách quanh thành khuôn (nếu ko phải là đế rời), lấy bánh ra. Vì bánh này rất rich, thế nên nên cắt thành những miếng vuông, hoặc hình chữ nhật nhỏ, ăn là vừa, sau mỗi lần cắt, lấy giấy, hoặc khăn ẩm lau sạch vụn bánh trên dao rồi cắt tiếp, thì miếng bánh sẽ vuông thành sắc cạnh và ko bị vỡ.
Luôn giữ lạnh bánh, bánh ăn ngon hơn khi để trong ngăn mát tủ lạnh.
Chúc cả nhà ngon miệng và thành công.


Monday, April 28, 2014

Hawaii Mousse - Nguyễn Sơn's bakery style

Mình thì xưa nay không nghiện bánh của Nguyễn Sơn lắm, vì mình là người không thích ngọt và Nguyễn Sơn lại quá ngọt với khẩu vị của mình. Vì vậy, rất ít khi ăn bánh của Nguyễn Sơn. Tuy nhiên, đã từng nghe tiếng Nguyễn Sơn's Bakery có món bánh Hawaii Mousse rất được mọi người mến mộ, nên cũng rất tò mò. Nhân dịp nhà có sự kiện, lại lọ mọ vào bếp làm thử món Hawaii Moussse này, quả nhiên là rất đặc biệt. Mousse mềm mại, vị dừa béo ngậy, thơm mát hòa quyện với vị caramel, và thêm một chút sần sật của lớp jelly caramel ở trên cùng, tạo thành hương vị rất ấn tượng. Món này là món không nên bỏ qua đối với những ai thích dừa và caramel. 



Về cơ bản, Hawaii  Mousse gồm có 4 lớp, lớp dưới cùng là bạt gato mỏng, tiếp theo là lớp mousse dừa, lớp thứ 3 là mousse caramel. Và trên cùng phủ một lớp jelly (hoặc agar) caramel mỏng.
Vì hôm nay nhà mình có sự kiện, nên chiếc bánh này mình không làm lớp bạt gateaux bên dưới, mà dùng bánh lady fingers (bánh săm pa) bao xung quanh. Còn nếu bạn muốn làm đúng kiểu với bạt gateaux thì tham khảo công thức gateaux tại đây nhé

Cách làm như sau: ( ct tham khảo tại baking fun và có chỉnh sửa theo thực tế làm)
* Nguyên liệu:
- Khuôn mousse ring, ko đáy, đường kính 22.9 cm ( 9")
- 1 túi bánh săm pa 30 chiếc
*Lớp mouse dừa :
- 3 lòng đỏ trứng gà
- 150ml sữa tươi có đường
- 50 gram đường
- 50 gram cơm dừa vụn sấy khô (bán rất sẵn trong siêu thị)
- 200ml whipping cream (độ béo 35% trở lên)
- 5gr bột gelatine
*Lớp mousse caramel :
- 105gram đường
- 37gram bơ nhạt 
- 45gram nước
- 6 gram lá gelatine,
- 300ml whipping cream (độ béo 35% trở lên)
* Lớp jelly caramel:
- 100 gram đường
- 160ml nước
- 9 gram bột gelatine
 

* Cách làm: - Dùng dao có răng cưa cắt chiều cao bánh sămpa cho vừa khuôn, và xếp vào bên trong quanh thành khuôn như trong hình 1. Nếu không làm kiểu nay, mà dùng bạt gateaux thì sau khi nướng và đợi nguội, cắt một lớp mỏng cho xuống đáy khuôn nhé.
*Lớp mousse dừa:
  1.Cho bột gelatine vào ngâm với một chút nước lạnh.
  2. Cho lòng đỏ và đường vào bát, dùng que đánh trứng (whisker) đánh hòa quyện.
  3. Đun sôi sữa ở lửa nhỏ, bắc xuống đổ hỗn hợp lòng đỏ ở 2, rồi cho lên bếp đun ở lửa cực nhỏ, dùng phới lồng vừa đun vừa quấy đều,nhẹ tay đến khi sôi, thấy tay quấy hơi nặng tay và thành một hỗn hợp hơi sền sệt như hình 2 là được. Bắc ra khỏi bếp



 4. Cho gelatine đã ngâm ở 1 vào lò vi sóng quay tầm 20-30 giây (tùy lò) cho tan, hoặc chưng cách thủy cho tan, rồi đổ vào hỗn hợp ở 3 trộn đều. Để cả bát vào chậu nước mát, cho hỗn hợp nhanh nguội.
 5. Đánh bông kem whipping (đánh tới bông mềm, tức là nhấc que lên, thấy đầu chóp kem dựng lên và oặt xuống luôn là được, cánh đánh bông kem, tham khảo tại đây), Sau đó rắc cơm dừa khô vào và fold nhẹ nhàng cho đến hết, sau đó fold tiếp hỗn hợp ở 4 đã nguội, vào trong kem dừa. Kỹ thuật fold tham khảo tại đây.
6. Múc hỗn hợp 5 vào khuôn,dùng đáy thìa dàn đều hỗn hợp rồi cho vào tủ lạnh cho cứng để còn đổ lớp 2 lên.
*Lớp mousse caramel
1. Ngâm gelatine với một chút nước lạnh cho nở.
2. Đánh bông kem tươi đến bông cứng, cách đánh tham khảo ở đường link viết ở trên. Rồi cho bát kem đã đánh bông vào tủ lạnh.
3.Đường cho 1 chút nước vào rồi đun đến khi thành caramel màu vàng cánh gián, thì cho nước và bơ trong phần công thức vào ,đun nhỏ nửa cho tan hết thì bỏ ra.
4. Quay gelatine trong lò vi sóng 20-30 giây hoặc chưng cách thuỷ cho tan hết.
5. Cho gelatine ở 4 vào hỗn hợp ở 3 còn đang nóng. quấy đều, để nguội tiếp đến khi hơi ấm ( nếu để nguội hẳn mới trộn thì sẽ nhanh bị đông và gây vón cục), thì cho từng chút 1 vào kem tươi đã đánh bông, và fold đều, không ngoáy nhé, sẽ làm vỡ bọt khí, bánh mất độ xốp.
6. Bỏ khuôn mousse đã se se cứng, ở trong tủ lạnh ra đổ hỗn hợp mousse caramel lên trên,dàn cho mặt phẳng và đều ,cho vào ngăn lạnh tiếp để chừng 2 tiếng cho đông hẳn, rồi hãy làm lớp phủ ở dưới.
*Lớp phủ jelly caramel
 1. Ngâm gelatine trong chút nước.
2. Đường cho chút nước và chưng thành caramel màu cánh gián, rồi đổ nước vào đun sôi, bắc xuống cho gelatine đã quay cho tan vào khuấy đều, đợi gần nguội hẳn thì đổ lên trên mặt bánh đã đông, ta được lớp gương rất trong và đẹp màu cánh gián.
Ngày hè oi bức, được ăn một miếng bánh thanh thanh, mát lịm như này, còn gì tuyệt vời hơn.
Chúc cả nhà ngon miệng:)

Sunday, April 27, 2014

Lẩu cá tầm

Cá tầm là một trong những chi cá cổ nhất hiện còn tồn tại, chúng có nguồn gốc tại các vùng nước châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ. Cá tầm có kích thước dài khoảng 2,5-3,5 m (8–11 ft) không phải là hiếm và một số loài có thể còn to lớn hơn.
Cá tầm là các loài cá ăn ở tầng đáy. Với chiếc mõm hình nêm chúng sục sạo lớp đáy bùn mềm và bằng cơ quan xúc giác nhạy cảm (râu) thì chúng có thể phát hiện các loài động vật giáp xác và cá nhỏ, là nguồn thức ăn của chúng. Vì không có răng nên chúng không thể bắt các con mồi lớn. Trước đây khi Việt Nam chưa nuôi được cá tầm và hàng Trung Quốc chưa tràn ngập thị trường, thì cá Tầm là món ăn quý tộc và khá đắt, chủ yếu là nhập từ Nga. Trong đó có món trứng cá tầm cho đến giờ vẫn thuộc hàng xa xỉ. Hiện nay, do Việt Nam đã nuôi được cá tầm, nên nó đã trở thành món ăn khá phổ biến, không còn quá xa xôi với nhiều người dân Việt sống ở thành thị. Do đặc điểm sống ở môi trường nước lạnh, nên chỉ có những vùng núi cao, có nguồi suối lạnh, trong, sạch mới là vùng thuận lợi để phát triển cá tầm, vì vậy hiện tại mới có ở Sapa, Lâm Đồng v.v... là nuôi được cá này. Gía cá tầm của Việt Nam dao động từ 250 - 300 nghìn / kg (tính theo thời giá 2013, 2014), đắt hơn so với cá Trung Quốc (tầm 150 nghìn/kg), cá Tầm Việt Nam cũng nhỏ con hơn so với cá Tầm Trung Quốc. Do hàng Trung Quốc là hàng tiểu ngạch, nên giá rẻ hơn, và cũng vì vậy mà không được kiểm dịch chặt chẽ, nên đã bị các bà nội trợ Việt Nam tẩy chay. Hiện tại, cá tầm có bán ngoài chợ, nhưng không còn ê hề như thời hàng Trung Quốc tràn ngập lãnh thổ nữa.
Cá Tầm là loài cá ăn được tất cả mọi phần (tất nhiên trừ nội tạng:D), và rất bổ dưỡng. Thịt có nó vừa chắc, ăn không bở, lại rất béo. Cá Tầm có nhiều cách chế biến, trong đó phải kể đến cá tầm xào nấm, chả cá tầm, hay cá tầm rang muối, và không thể không nhắc đến món lẩu cá tầm ăn ngon không thể chê được.

 Sau đây mình xin giới thiệu món lẩu cá tầm, để các bạn tham khảo:
Nguyên liệu: cho 6 người ăn
- 1,7 kg thịt Cá Tầm
- 1 lạng Hành lá
- 2 quả ớt chỉ thiên
- 1 củ  Gừng
- 1 củ hành tây
- 2 củ to hành củ (hành tím) khô
- 1 quả cà chua
- 3 bìa đậu, hoặc 200 gram đậu non Nhật Bản (siêu thị có bán)
-  Rau cải thảo, cải cúc, thìa là, nấm
- bún tươi hoặc mì

Cách làm:
Cách làm sạch cá: do cá tầm là loại cá khá nhớt, nên để làm sạch nhớt, thì cần một vài tiểu xảo. Thông thường, theo sách dạy, hay hướng dẫn của chuyên gia, thì mình thấy hay hướng dẫn: " Cho cá vào khay chữ nhật thoa phần bột mì lên mình cá rồi vuốt dọc từ đầu đến đuôi cá cho sạch nhớt, rửa cá lại bằng nước lạnh thật sạch rồi cắt bỏ phần vi, mang và ruột cá. Tiếp đến cắt rời cá ra từng khoanh nhỏ dày 2cm cho vào đĩa để phục vụ tại bàn, còn phần đầu và đuôi cá để lại nấu nước lẩu". Tuy nhiên, trên thực tế mình đã thử cách này, và thấy phải tốn nhiều bột mỳ, mà rửa mãi cũng không hết nhớt. Và mình đã thử cách khác đó là, đun sôi nước, dội lên mình cá, dùng dao gạt sạch trên bề mặt da cá, là từng đám nhớt sẽ bong ra, làm lại khoảng 2 lần là cá sạch ngay, mà ko phải vất vả gì.
1. Cá sau khi làm sạch, lọc cắt phần thịt thái lát mòng 2cm, phần sụn để riêng. Cho chút gia vị, rượu mirin (một loại rượt ngọt, dùng để nấu ăn của Nhật, cái này khử tanh của cá rất hiệu nghiệm), thìa là, lá hành hoa thái nhỏ vào đảo đều thịt cá cho ngấm gia vị và bày ra đĩa.
2. Ớt trái bỏ hạt, hành cắt nhỏ giã nhuyễn. (Lưu ý: hành và ớt phải giã bằng cối chứ không được say vì khi giã hành lá sẽ tiết ra mùi thơm và màu xanh, ớt tiết ra màu đỏ tạo nên vị và màu sắc rất đặc trưng cho món lẩu). Sau đó cho hỗn hợp này vào phần sụn cá, nêm thêm gia vị, rượu mirin, một chút nước mắm. Để ngấm trong chừng nửa tiếng. Rồi phi thơm một chút hành tỏi với một chút dầu ăn trong 1 cái chảo, trút phần sụn đã tẩm ướp vào xào cùng đến khi chín sơ. Đổ nước lọc vào đun đến khi sôi, để lấy vị ngọt của cá, nêm gia vị vừa ăn.
3.Gừng, hành tây, hành tím khô cho lên bếp nướng đến khi ngửi được mùi thơm lấy ra, bóc phần vỏ cháy, rửa sạch, gừng và hành tím khô thì đập dập, còn hành tây, cà chua thì thái múi cau, cho vào nồi nước lẩu ở bước 2.
(Lưu ý: trong quá trình nấu nước lẩu phải nhẹ lửa và hớt bọt để giữ nước lẩu trong).
4. Nhúng cá, và rau vào nước lẩu ăn nóng tại bàn. Cá nhúng cho chín tới, không nên lâu quá, sẽ bị nát cá.
Lưu ý: món lẩu này đã dùng chính sụn của cá để tạo vị ngọt của nước lẩu, vì vậy các bạn không cần chuẩn bị nước lẩu bằng nước xương hầm nhé, nếu không sẽ rất ngấy và thừa chất:).
Món lẩu này ăn có vị cay cay, thơm thơm, nước lẩu ngọt, thanh, chứ không béo ngấy ( mặc dù cá béo), và đặc biệt không hề tanh.
Chúc cả nhà ngon miệng:)

 

Monday, April 21, 2014

Baumkuchen (Tree cake) - King of the cakes

Đã từ lâu mình rất mê hình thức và hương vị của bánh Baumkuchen (nghĩa là bánh khúc cây). Nhưng chưa bao giờ dám thử. Sau một thời gian chinh chiến, thì mình đã được động viên là có thể làm được bánh này rồi. Thực tế thì các công đoạn làm bánh cũng không có gì quá đặc biệt, chỉ có là mất thời gian và công sức, cũng như tiền bạc một chút thôi. Sở dĩ mình nói vậy là vì mỗi một lớp bánh rất mỏng và việc nướng ra được mười mấy lớp bánh như vậy đòi hòi phải có thời gian, còn nguyên liệu làm bánh bao gồm cả bột hạnh nhân, nên cũng khá mắc tiền. Và nếu không canh chừng lúc nướng cẩn thận, thì khả năng cháy là rất cao. Chính vì vậy lời khuyên của mình là bánh này chỉ nên được làm vào lúc rảnh rỗi, tâm lý thoải mái, muốn thư giãn, và có thể tập trung cao độ, bánh này cũng không thích hợp với những ai mới bắt đầu tự học làm bánh, vì lỡ có hỏng thì sẽ làm nhụt ý chí học tập. 
Tiểu sử Baumkuchen:
Như những gì mình tra được, thì Baumkuchen là tên gọi 1 loại bánh nhiều lớp (multilayer cake)có nguồn gốc từ Đức, theo tiếng Đức có nghĩa là bánh cây vì có những vân như vân gỗ. Theo cách làm truyền thống, một thanh dài được dùng làm "lõi" bánh Baumkuchen, thanh này sẽ liên tục quay tròn đều, bột bánh liên tục được phết đều lên khắp thanh lõi này và thợ làm bánh sẽ quay nhanh nó trên bếp lửa lớn. Lớp bánh này chín thì và có màu vàng nâu thì lớp bột tiếp theo lại được quét đều lên, cứ như thế đến khi được rất nhiều lớp vân vòng tròn như thân gỗ cây. Baumkuchen truyền thống ở nhiều quốc gia khắp châu Âu và cũng là một món tráng miệng phổ biến ở Nhật Bản. Nó được mệnh danh là vua của các loại bánh, có lẽ vì sự cầu kì tỉ mẩn để làm ra chiếc bánh này. Công đoạn làm bánh thì không có gì gọi là phức tạp hay cao siêu quá, chỉ là vấn đề thời gian và sự chịu khó đứng túc trực trước lò nướng từ lúc bắt đầu lớp bánh đầu tiên đến lúc kết thúc lớp bánh cuối cùng.
Đến bây giờ, việc chiếc bánh Baumkuchen được nướng ra lần đầu tiên ở đâu và khi nào vẫn là vấn đề được tranh cãi gay gắt. Nhưng có một giả thiết cho rằng Baumkuchen xuất hiện đầu tiên ở thị trấn Salzwedel của Đức và từ từ lan rộng sang khác vùng xung quanh. Một giả thiết khác lại cho rằng loại bánh này phát nguồn từ chiếc bánh cưới của người Hungary cho dù tên của nó là tiếng ĐỨC.
Vào năm 1581, khi mà các cuốn sách dạy nấu ăn được xuất bản lần đầu tiên trên thế giới được xuất bản, công thức của Baukuchen cũng có mặt trong cuốn Ein new Kochbuch - cuốn sách dạy nấu ăn cho các đầu bếp chuyên nghiệp của Marx Rumpolt . Nhưng đó cũng chỉ là những giả thuyết, có thể lịch sử của món bánh này có thể lùi lại đến thời Hy Lạp cổ đại hay La Mã xa xưa.


Tựu chung lại, baumkuchen là bánh có xuất xứ ở châu Âu, nhưng làm nó trở nên phổ biến và tinh tế lại là người Nhật. Tại Nhật, có cửa hàng chuyên làm baumkuchen từ đầu thế kỷ trước, cho đến ngày nay vẫn luôn tấp nập những dòng người xếp hàng để chờ vào mua những miếng bánh baumkuchen thơm ngon và đậm chất nghệ thuật này:)
Cách làm như sau, các bạn chỉ cần làm theo đúng những hướng dẫn và không lơ là chủ quan, là sẽ ra được mẻ bánh thơm ngon và đẹp mắt: 
Tổng thời gian từ chuẩn bị đến khi nướng xong: tầm 3 tiếng đồng hồ
Nguyên liệu:
- 250 gram bơ nhiệt độ phòng
- 180 gram đường (vì mình ko thích ăn ngọt quá, ai muốn ăn ngọt thì có thể cho thêm)
- 6 trứng gà nhiệt độ phòng (trọng lượng tầm 60 gram cả vỏ), tách riêng lòng đỏ, lòng trắng (lưu ý lòng trắng phải sạch, ko được dính tạp chất gì)
- 1/2 teaspoon và 1/4 teaspoon cream of tartar
- 1/4 teaspoon muối tinh
- 25ml rượu rhum (hoặc whisky, cognac)
- 1/4 teaspoon vanilla
- 1/2 teaspoon bột quế
- 130 gram bột mỳ đa dụng
- 40 gram bột hạnh nhân
- 10 gram bột nở
- 100 gram bột ngô
- Khuôn vuông 12" (21 x 21cm)
- 1 tip tròn đường kính 0,3 cm hoặc ko có thì cắt miện túi bắt kem với đường kính 0,3 cm Cách làm:
1. Dùng phới lồng trộn lẫn bột mỳ, bột ngô, bột hạnh nhân và bột nở, rây mịn đều (rây 2 lần càng tốt) (hình 1)
2. Dùng máy đánh bơ mềm và nhẹ, sau đó cho 1/2 đường vào đánh bông (không cần bông quá) (hình 2). Cho từng lòng đỏ trứng vào đánh hòa quyện, rồi cho vanilla, rượu rhum, bột quế vào đánh đến khi hỗn hợp đều, mịn (hình 3). Cho hỗn hợp bột khô vào trộn đều (hình 4)


3. Lòng trắng đánh bông cứng (stiff peak) với cream of tartar, muối và1/2 đường còn lại (cách đánh tham khảo tại đây) (hình 5)
4. Cho 1/3 phần lòng trắng đánh bông cứng vào hỗn hợp bột sau khi trộn ở bước 2, đảo đều, với mục đích là để hỗn hợp nhẹ hơn, để khi trộn phần lòng trắng đã đánh bông còn lại vào sẽ dễ hòa quyện hơn. Sau đó fold nhẹ nhàng nốt chỗ lòng trắng còn lại vào hỗn hợp ( hình 6). Hướng dẫn cách fold tham khảo tại đây.
5. Bật lò 200 độ C lửa trên, trước khoảng 15 phút.

6. Cho hỗn hợp ở 4 vào trong túi bắt kem ( hình 7) để mũi túi vuông góc với khuôn và bóp nhẹ nhàng tránh làm vỡ bọt khí trong hỗn hợp, cho kín mặt khuôn (hình 8), nướng đến khi vàng mặt thì lấy ra lại lặp lại thao tác trên và đem nướng (hình 9),  lặp đi lặp lại cách nướng này cho đến khi kết thúc.  
Còn 1 cách khác là múc bột đổ lên mặt khuôn và dùng chổi giàn đều, nhưng cá nhân mình thấy làm cách trên vừa nhanh, vừa đều, hơn là dùng chổi.

Lưu ý: thời gian nướng của mỗi lớp sẽ khác nhau, có thể lớp đầu tiên cần 5 phút, nhưng những lớp sau có lúc chỉ vài chục giây, nên không có một khoảng thời gian cố định cho mỗi lớp bánh được nướng. Vì vậy, lời khuyên là các bạn đừng bỏ lò, phải đứng canh chừng, khi nào thấy mặt bánh vàng hơi nâu là đã được và phải lấy ra ngay kẻo cháy.
Mình xin nhắc lại: bánh này chỉ nên làm vào lúc rảnh rỗi, có thời gian thư giãn, và đang không bực tức gì nhé:D

Sunday, March 30, 2014

Mango cream pudding - Pudding kem tươi xoàii ( Tropical taste)

Mấy hôm nay trời ẩm nóng, cứ thèm thèm cái gì mát mát, tan trên đầu lưỡi. Sẵn trong nhà còn xoài từ hôm trước làm vanilla mango pudding, lại thấy mọi người thích ăn pudding, đặc biệt là Mr. Dark and Dangerous, mình lại vào bếp. Hôm nay mình làm món pudding kem tươi xoài. Món này khác với vanilla pudding hôm trước. Thành phần kết dính  chủ yếu là gelatine, ko phải là bột ngô, vì vậy ko như vanilla pudding đặc đặc, sệt sệt của người Âu, kén người ăn, pudding kem tươi xoài dễ dàng hợp khẩu vị của người dân xứ sở nhiệt đới gió mùa, vì chính cái vị khi ăn thanh thanh nhẹ nhàng, mát của xoài tươi kết hợp với vị beo béo ngậy ngậy của kem tươi, hoà quyện với sữa tươi và tan ngay trên đầu lưỡi khi thìa pudding vừa đưa vào miệng. Nói chung là cảm giác rất yomost, cả nhà đều thích:). Cách làm như sau:

Nguyên liệu:
- 6 gram bột gelatine ( hoặc 3 lá gelatine)
- 150 ml nước lọc
- 300 gram thịt xoài ( khoảng 2 quả cả hạt)
- 150ml sữa tươi có đường
- 150ml whipping cream ( kem tươi)
- 4 tablespoon đường trắng ( nếu xoài chua có thể thêm đường cho vừa vị)

Cách làm:
1. Cho gelatine vào ngâm với 150ml nước lạnh tầm 5 - 10 phút. Mục đích là để gelatine nở, và ngâm nước lạnh, thì khi đun lên gelatine sẽ tan hết và ko bị vón.
2. Cho 175 gram xoài vào xay mịn nhuyễn với 150ml sữa tươi. Phần xoài còn lại thì cắt hạt lựu, để lát trộn vào pudding.

3. Cho nước gelatine ở 1 lên bếp vừa đun vừa khuấy, lửa nhỏ nhé, đến khi sôi và tan, cho đường vào hoà cho tan, bắc xuống đợi nguội bớt.
4. Trộn kem tươi và hỗn hợp xoài ở 2, thật đều nhau, sau đó đổ vào nồi gelatine khuấy thật đều, chia vào các cốc, cho vào ngăn mát, để vài tiếng cho đông là được:)